ÁP DỤNG ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀO TRONG GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT 1

Ở nước ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua ban hành chủ trương, đường lối, chính sách để định hướng tổ chức và hoạt động cho nhà nước. Những chủ trương, quan điểm chính trị của Đảng được Nhà nước lấy làm cơ sở chính trị để xây dựng hệ thống thể chế cho phù hợp với điều kiện cụ thể trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng được Nhà nước tiếp nhận, thể chế hóa bằng pháp luật và những chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Nhà nước tổ chức các cơ quan lập pháp để cụ thể hóa thành luật, pháp lệnh. Tổ chức bộ máy hành pháp để tổ chức thực hiện luật. Tổ chức cơ quan tư pháp để tiến hành kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh các hành vi theo luật. Nên chủ trương, đường lối của Đảng càng hoàn thiện, càng cụ thể, minh bạch, phù hợp với thực tiễn khách quan của đất nước thì việc thể chế hóa thành pháp luật là đúng đắn, càng có khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng càng được tăng cường.

Để quan điểm, tư tưởng của Đảng đi vào cuộc sống không thể không kể đến vai trò vô cùng quan trọng của công tác tuyên truyền. Thông qua tuyên truyền để phổ biến, giáo dục đường lối, quan điểm của đảng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động hiểu, tin và quyết tâm làm theo. Đồng thời, cũng thông qua tuyên truyền để chúng ta chỉ ra được những chiêu trò chống phá Đảng của các thế lực thù địch từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác và nhận thức cho mọi cán bộ, công chức, viên chức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và tính chất nguy hại của nó.  Do đó đòi hỏi phương pháp tuyên truyền phải luôn đổi mới  để phù hợp với đặc thù từng đối tượng, không chỉ làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thấu suốt, đồng thuận cao với mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn làm cơ sở tiền đề để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Nhận thức được điều đó, trong giảng dạy tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ của đảng viên, giảng viên Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT 1. Điều này càng được nhấn mạnh khi Đảng bộ trường triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về :Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Mỗi đảng viên, giảng viên của trường đã luôn chủ động lồng ghép tinh thần nội dung của Nghị quyết vào bài giảng để người học không những hiểu và vận dụng vào trong thực tế công việc mà còn hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền trong các năm qua giảng viên luôn tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp tuyên truyền sao cho hiệu quả đối với từng đối tượng học viên. Trong giảng dạy luôn kết hợp giữa tuyên truyền trước tập thể lớp với tuyên truyền thảo luận nhóm, vận động hành lang… cũng như khi tuyên truyền giảng viên không chỉ thực hiện các phương pháp độc thoại mà còn thực hiện các phương pháp đối thoại, trao đổi, thảo luận, hỏi – đáp (đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất). Giảng viên luôn trả lời câu hỏi của học viên và tạo điều kiện, dành thời gian trong mỗi lần tuyên truyền để họ được hỏi về những vấn đề mà họ quan tâm nhưng chưa được giải thích hoặc giải thích chưa rõ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới; cán bộ, công chức, viên chức đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền  kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng được đổi mới, phân công, phân cấp rõ ràng hơn nên giảng viên phải không ngừng quan tâm đến việc đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền trong giảng dạy, muốn vậy đòi hỏi mỗi giảng viên cần:

Thứ nhất, Tăng cường rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ rất quan trọng. Bất kỳ ai, khi làm bất cứ việc gì và bất cứ ở đâu mà không thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ thì đều có thể gây ra tác hại lớn cho xã hội. Đặc biệt, đối với giảng viên, những người làm công tác giảng dạy, tuyên truyền về chủ trương của đảng nếu không hiểu rõ, hiểu chính xác thì chính sự không hiểu rõ đó sẽ dấn đến hiểu sai, tuyên truyền sai, dẫn đến tác hại khôn lường.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình cũng những quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, vận dụng linh hoạt các phương pháp tuyên truyền trong giảng dạy để giúp cho  cán bộ, công chức, viên chức ( đây là đối tượng rất quan trọng bởi họ trực tiếp nắm giữ và thực thi các chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, họ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Vì vậy, họ vừa là đối tượng cần được trang bị đầy đủ kiến thức về chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời họ cũng là chủ thể tuyên truyền pháp luật với đối tượng là nhân dân) nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, không làm những việc mà pháp luật cấm. Thực hiện đẩy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ; phải tôn trọng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân; biết bảo vệ tài sản, bảo vệ danh dự của Nhà nước. Khi hiểu được điều này không những giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí việc làm họ đảm nhận tại cơ quan, góp phân nâng cao hiệu lực và hiệu quả làm việc tại cơ quan nhà nước mà ngay tại vị trí đó họ cũng là người hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân để họ hiểu và biết vận dụng pháp luật để đòi hỏi các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, hiểu biết pháp luật khiến việc chấp hành pháp luật được thực hiện tốt hơn và việc áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước cũng thuận lợi hơn, tránh được những quan điểm sai trái đi ngược lại với tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, trong giảng dạy, giảng viên cần tuyên truyền để học viên hiểu rõ được những nguyên tắc trong thực thi nhiệm vụ. Bởi những nguyên tắc này đều xuất phát từ yêu cầu hoạt động của họ, tạo tiền đề và cơ sở nâng cao trách nhiệm của họ trong thực thi nhiệm vụ. Ví dụ, chúng ta đều biết nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức là phải tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Vậy để thực hiện tốt điều này đòi hỏi mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành nhiệm vụ. Nhưng trong thực tế vẫn còn đó những biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân; thiếu chủ động sáng tạo trong công việc được giao; còn ích kỷ chưa thật sự có tinh thần làm việc vì lợi ích chung, chỉ thu vén cho mình mà không quan tâm tới nguyện vọng các tổ chức, cá nhân là đối tượng của mình phục vụ dẫn tới các hành động xa rời thực tế ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức nói chung; thiếu ý thức tiết kiệm nguồn lực công trong thi hành công vụ, luôn cho rằng tiền bạc của Nhà nước là của chùa nên dẫn tới sự chi tiêu lãng phí cả về tiền bạc và nguồn nhân lực; không quan tâm đến hậu quả giải quyết, cán bộ, công chức tắc trách dẫn tới khiếu kiện hoặc công việc bị ngừng trệ ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung của đơn vị… ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Nên nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ làm nguy hại đến sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trước những biểu hiện đi ngược lại với tinh thần Nghị quyết của Đảng như vậy mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện về chuyên môn và đạo đức, xây dựng và nâng cao vai trò của văn hóa công sở,  kỹ năng làm việc thành thạo, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để làm tốt công việc của mình, tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng và thực tế công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân và trước khó k hăn của nhan dân. Tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, nhũng nhiễu nhân dân; đồng thời không tiếp tay, bao che các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, giảng viên phải kiên trì tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Thứ sáu, luôn kiên trì cuộc đấu tranh chống lại dốt nát, nghèo đói, thói hư, tật xấu, nhất là sự lười biếng, sự đố kỵ, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, cách sống buông thả và sa đọa. Phải xây dựng được một hệ thống luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Như vậy trong phê phán tính chiến đấu mới cao, tính khoa học, tính sắc bén, tính lôgic, tính thuyết phục trong lập luận mới được đảm bảo góp phần nâng cao sức lan tỏa của những quan điểm đúng đắn của Đảng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Tác giả: GV, Ths Trần Thị Kim Ngân, Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Kiểm lâm và Chủ rừng