ĐẢNG LÀ NHÂN TỐ LÃNH ĐẠO THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

ĐẶT VẤN ĐỀ

          Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Mục đích cơ bản của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nông thôn gắn với đô thị; giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy bình đẳng giới,… Trong quá trình thực hiện, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, phủ nhận những thành quả mà chương trình đã đạt được nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết không chỉ trong nội bộ Đảng mà còn chia rẽ Đảng với Nhân dân. Chương trình bị nghi ngờ là kém hiệu quả và hình thức. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, sự thống nhất trong chỉ đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của Nhân dân thực hiện chương trình đã đập tan những luận điệu chống phá đó.

NỘI DUNG

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam – chính đảng của toàn dân tộc ta

          Sự ra đời của Đảng đã thể hiện sự gắn kết với vận mệnh quốc gia, dân tộc ta. Đảng ta được thành lập không chỉ là sự kết hợp đơn thuần của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Phong trào công nhân như thông lệ; mà là sự hội tụ, kết tinh của cả Phong trào yêu nước và tư tưởng Hồ Chí Minh – tư tưởng của Người luôn đau đáu với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu của cách mạng Việt Nam và là đảng của toàn dân ta. Vì vậy, Đảng ta luôn lấy dân làm gốc và tất cả vì Nhân dân mà phục vụ.

          Cương lĩnh của Đảng qua các thời kỳ đều có điểm chung là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chương trình MTQG xây dựng NTM là để thực hiện và cụ thể hóa mục tiêu mà Đảng đã đề ra.

2. Đảng khởi xướng và lãnh đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM

          Luận điệu: không thừa nhận tính chính danh, chính pháp về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

          Sự thừa nhận của Nhân dân về tính chính danh, chính pháp trong lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ở Việt Nam được khẳng định cả trên phương diện pháp luật và thực tế. Hiến pháp năm 1980, Điều 4 đã ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội[1]. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Tuy nhiên các thế lực thù địch không thừa nhận tính chính danh, chính pháp về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng cho rằng một đảng cầm quyền hoàn toàn có khả năng áp đặt một nội dung nào đó trong Hiến pháp do Quốc hội ban hành[2]. Điều này là không chính xác, bởi Quốc hội nước ta là do dân bầu, nước ta là nước dân chủ, trước khi ban hành Hiến pháp đều phải xin ý kiến Nhân dân, được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ thì mới được ban hành. Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là sự thừa nhận của Nhân dân, không phải áp đặt. Cũng trong Điều 4 Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013 có ghi: “tổ chức đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiếp pháp và pháp luật”. Điều này cho thấy, dù là đảng cầm quyền nhưng Đảng không đứng trên Hiến pháp và pháp luật, không thể điều chỉnh Hiến pháp và pháp luật theo chủ quan của Đảng mà không dựa trên cơ sở lợi ích của Nhân dân.

Luận điệu: xây dựng NTM là tự phát và mang tính đối phó

          Chương trình MTQG xây dựng NTM là sự nối tiếp trong quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, có tính chiến lược, có kế hoạch thực hiện và được chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

          Trước những năm 1980, nền sản xuất nông nghiệp nước ta lạc hậu, trì trệ do vận hành cơ chế tập trung, làm ăn tập thể, năng suất lao động thấp không tạo được động lực cho sự phát triển. Nhận thấy những nguy cơ đó, Đảng ta đã có những thay đổi để tạo ra bước phát triển mang tính bản lề, đột phá sau này.

          Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/01/1981 được bàn hành để cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp[3]. Chỉ thị 100 ban hành, nông nghiệp như được “cởi trói”, khơi dậy tinh thần làm chủ của người nông dân, năng suất lao động và sản phẩm từ đó bắt dầu tăng, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có khởi sắc. Những thành công của Chỉ thị 100 của Ban Bí thư đã đặt nền móng cho chuỗi những đổi mới và thành công cho nông nghiệp, nông thôn sau này.

          Sau Chỉ thị 100, Nghị quyết số 10-NQ/TW (Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được Bộ Chính trị ban hành năm 1988. Khoán 10 không chỉ “cởi trói” cho sản xuất nông nghiệp mà còn nhấn mạnh đến các giải pháp xây dựng NTM xã hội chủ nghĩa. Những chủ trương về xây dựng NTM đề ra trong Khoán 10 cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng đắn và phù hợp[4]. Khoán 10 là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Theo Nghị quyết, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993[5].

          Năm 1998, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TW về một số vấn đề nông nghiệp và nông thôn. Tiếp đó, năm 2001, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai Chương trình phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, dân chủ hóa. Đây có thể được xem là chương trình thí điểm xây dựng NTM đầu tiên ở nước ta[6].

          Từ năm 2001, xây dựng NTM được thí điểm ở nước ta thông qua một số giai đoạn. Giai đoạn 1 (2001-2004) do Ban kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm phát triển nông thôn cấp xã tại các khu vực kinh tế. Giai đoạn 2 (2005-2009) thí điểm xây dựng NTM cấp thôn, bản. Giai đoạn 3 (2009-2011) Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo thí điểm xây dựng NTM cấp xã. Trong thời gian này, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là Nghị quyết mang tính quyết định để Chương trình MTQG xây dựng NTM phát triển cho đến hiện nay và tương lai.

          Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời thể hiện sự quyết đoán và trí tuệ của Đảng. Thường thì một chủ trương, chính sách chỉ ra đời sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm, nhưng Nghị quyết 26-NQ/TW là ngoại lệ. Quyết định về việc ban hành nghị quyết này đã tiết kiệm cho Nhân dân ta khoảng thời gian ít nhất là 3 năm. Sự đúng đắn khi ban hành và thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã phản bác lại những ý kiến cho rằng đây là sự “liều lĩnh” của Đảng.

          Như vậy, Chương trình MTQG xây dựng NTM ra đời là do quá trình tích luỹ thực tiễn về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong khoảng ít nhất 30 năm. Đây là quá trình biện chứng chứ không phải tự phát, ngẫu nhiên và mang tính đối phó.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM

          Luận điệu: Phủ nhận hoặc đánh giá thấp các kết quả đã đạt được

          Sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện của Đảng và Nhà nước:

          Để chỉ đạo và thực hiện chương trình có hiệu quả, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, pháp luật. Thành lập Văn phòng điều phối NTM ở trung ương và cấp tỉnh; phân công các tổ chức và cá nhân phụ trách thực hiện chương trình ở cấp huyện và xã. Thường xuyên giám sát thực hiện chương trình từ trung ương đến cơ sở.

          Kết quả đạt chuẩn NTM và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tính đến tháng 6/2023[7]:

– Cả nước có 6.011/8.177 xã (73,5%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1.326 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 174 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

-Có 261 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 40,5% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

– Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến ngày 31/5/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao.

          Một số kết quả nổi bật khác:

          – Hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị: cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, cả nước có hàng ngàn công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do xã quản lý đã được xây mới, sửa chữa và nâng cấp (3.957 hồ chứa nước nhỏ có dung tích từ 50.000÷500.000 m3). 100% số xã và 99,25% số hộ nông thôn đã có điện, có 7.729 xã (93,5%) đạt tiêu chí Điện. Cả nước có 31.016 trường học các cấp ở nông thôn.

          – Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị: đã có 74,9% số xã (6.189 xã) đạt tiêu chí về Thu nhập, 77,9% số xã (6.435 xã) đạt tiêu chí về Tỷ lệ hộ nghèo; 98,9% số xã (8.176 xã) đạt tiêu chí về Lao động có việc làm và 87,8% số xã (7.259 xã) đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất[8].

          Với những kết quả đạt được không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình MTQG về xây dựng NTM mà Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã cố gắng để có được.

          Luận điệu: Bộ tiêu chí cứng nhắc, đánh giá chuẩn NTM mang tính hình thức và không có sự tham gia của người dân

          Thứ nhất, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM luôn được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu

          Bộ tiêu chí quốc gia về NTM do Thủ tướng Chính phủ ban hành được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào bộ tiêu chí chung, đồng thời xem xét các yếu tố đặc thù của địa phương mình để ban hành và tổ chức thực hiện bộ tiêu chí của địa phương. Như vậy, Bộ tiêu chí xây dựng NTM không hoàn toàn cứng nhắc, không hoàn toàn là bộ đồng phục cho tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc.

          Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã 04 lần ban hành các Quyết định để điều chỉnh và khắc phục những bất cập khi áp dụng bộ tiêu chí trong thực tiễn (đối với xã NTM). Các Quyết định đó là: (1) Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009; (2) Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013; (3) Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 và (4) Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022. Bộ tiêu chí quy định về chuẩn NTM, chuẩn NTM nâng cao, chuẩn NTM kiểu mẫu có sự thay đổi đáng kể về cả lượng và chất của các tiêu chí để hướng tới quá trình đô thị hóa.

          Như vậy, Bộ tiêu chí về NTM được thay đổi liên tục để phù hợp với thực tiễn, được cụ thể hóa cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Bộ tiêu chí sau kế thừa những ưu điểm của bộ tiêu chí trước để tạo sự ổn định, đồng thời phát triển sáng tạo để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn và giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đặc biệt xã chuẩn NTM kiểu mẫu là những mô hình tiêu biểu, mô hình tốt nhất mà xã có thể đạt được, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.

          Thứ hai, đánh giá đạt chuẩn NTM là khách quan, đề cao vai trò của người dân trong quá trình đánh giá – lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo mức độ thành công của Chương trình.

          Theo quy định, xã đạt chuẩn NTM/NTM nâng cao/ NTM kiểu mẫu phải đáp ứng 4 điều kiện sau[9]: (1) Đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; (2) Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn; (3) Sự hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM và (4) Xã không phức tạp về an ninh, trật tự theo quy định.

          Các tiêu chí về NTM phần lớn có tính định lượng cao, có tính hữu hình, trực quan (quan sát và đánh giá được bằng mắt thường) nên bất kỳ người dân thường nào cũng có thể đánh giá được. Mặt khác các chỉ số, chỉ tiêu đánh giá cũng được xây dựng cho phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Các hạng mục xây dựng thực hiện công khai có sự tham gia và giám sát của người dân và cơ quan thẩm quyền nên chất lượng các tiêu chí đánh giá được đảm bảo.

          Trong các điều kiện đánh giá đạt chuẩn NTM, điều kiện thứ 3 là sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn xã đã khẳng định rằng: chỉ khi người dân địa phương thực sự hài lòng với kết quả xây dựng NTM ở xã cộng với những điều kiện khác phải đạt thì mới được đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xã NTM/xã NTM nâng cao/xã NTM kiểu mẫu. Sự đánh giá này là xuất phát từ sự hài lòng của người dân, không phải ý chí chủ quan của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM.

          Thứ ba, sự tham gia và ủng hộ của người dân là yếu tố quyết định thành công của chương trình:

          Ngay từ những ngày đầu thực hiện xây dựng NTM, Đảng và Nhà nước đã xác định: sự tham gia của người dân là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của chương trình. Việc thành lập Ban giám sát cộng đồng xây dựng NTM là để người dân thể hiện, thực hiện quyền làm chủ, là chủ nhân đồng thời cũng là người thụ hưởng những thành quả của chương trình.

          Người dân tham gia xây dựng NTM vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm, các nội dung xây dựng đều có sự tham gia của người dân. Ví dụ, đối với quy hoạch xây dựng NTM phải huy động trí tuệ tập thể từ người dân, phải công khai quy hoạch, xin ý kiến về phương án quy hoạch, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và thực hiện.

          Sự tham gia của người dân vào thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM chuyển từ tự phát ở giai đoạn đầu thành tự giác ở giai đoạn hiện tại. Sự tự giác này là khách quan và xuất phát từ sự thay đổi trong nhận thức. Hơn nữa xây dựng NTM góp phần gắn kết các hộ gia đình với nhau, là nơi để người dân thể hiện tình cảm với Đảng và Nhà nước, ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho quê hương, đất nước.

          Sự tham gia của người dân xây dựng NTM thể hiện rõ nhất thông qua các phong trào do Trung ương và địa phương phát động. Sự tham gia này còn là tiền đề để thực hiện hiện các chương trình như: OCOP, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hay các chương trình MTQG khác… Như vậy xây dựng NTM còn là cầu nối liên kết người dân tham gia nhiều phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa, người dân được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, được thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”. Đặc biệt thông qua thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM mà người dân tích cực tham gia phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và cùng nhau vượt đại dịch Covid-19.

          Hiện nay, người dân tích cực tham gia thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, xây dựng NTM gắn với xây dựng Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển đổi tư duy từ Sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

          Luận điệu: NTM rồi sẽ lỗi thời, không phù hợp với xu thế đô thị hóa

          Quan niệm về NTM theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại từng bước theo hướng đô thị hóa. Xây dựng NTM là quá trình phát triển từ thấp lên cao, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng phục vụ đô thị hóa – xu hướng phát triển tất yếu hiện tại và tương lai; mô hình NTM không lỗi thời và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại, không những vậy kết cấu xã hội NTM còn thể hiện tính hiện đại, tầm nhìn, định hướng tương lai một cách rõ nét và có chủ ý của Đảng và Nhà nước.

          Thực tế cho thấy: “Xây dựng NTM không có điểm dừng”, các chuẩn NTM giai đoạn sau đều cao hơn giai đoạn trước. Nếu Bộ tiêu chí xã chuẩn NTM là đại diện cho nông thôn tiến bộ, thay đổi về bản chất so với nông thôn trước đó, từng bước đưa hạ tầng đô thị vào nông thôn thì Bộ tiêu chí xã chuẩn NTM nâng cao, đặc biệt là xã chuẩn NTM kiểu mẫu có định hướng đô thị hóa rõ nét. Các tiêu chí xây dựng, đặc biệt là các tiêu chí cơ bản như “Quy hoạch”, “Giao thông”,… thể hiện rõ định hướng đô thị, tiến gần với đô thị.

          Các địa phương trong quá trình xây dựng NTM có thể tiến hành đồng thời với xây dựng đô thị. Các xã bám sát tiêu chí lên phường, huyện bám sát tiêu chí lên quận; đặc biệt đối với các xã, huyện có đề án lên phường, quận trong giai đoạn đến năm 2025. Tại Hà Nội, 05 huyện gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng có đề án lên quận trong giai đoạn 2021 – 2025, cùng với việc xây dựng huyện NTM nâng cao.

KẾT LUẬN

          Như vây, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM là khách quan, phù hợp với thực tiễn, có tính chiến lược, có kế hoạch thực hiện khoa học; thể hiện được sự quyết đoán và trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đồng thời khẳng định “Đảng ta đã lãnh đạo thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM ở hiện tại và sẽ đạt thêm những thành quả trong tương lai”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2019), Lý luận và thực tiễn trong xây dựng NTM ở Việt Nam, Tài liệu tuyển chọn hội thảo khoa học ngày 16-17/7/2019, Hà Nội 2019.
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Dự kiến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
  4. Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (2022), Tài liệu tham khảo phục vụ tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.
  5. Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương (2023), Báo cáo Sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
  6. Nguyễn Văn Viên (2021), Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bài dự thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2021.

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1980-Cong-hoa-Xa-hoi-Chu-Nghia-Viet-Nam-36948.aspx

[2] TS. Nguyễn Văn Viên, Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bài chính luận năm 2021.

[3] Trung Hòa, Chỉ thị 100 và vai trò lịch sử của Ban Kinh tế Trung ương, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/chi-thi-100-va-vai-tro-lich-su-cua-ban-kinh-te-trung-uong-564248.html

[4] TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Cơ sở lý luận và thực tiễn cho xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam, Tài liệu tuyển chọn hội thảo khoa học, ngày 16-17/7/2019.

[5] Báo điện tử, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/nghi-quyet-10-nq-tw-nam-1988-ve-doi-moi-quan-ly-kinh-te-nong-nghiep-556557.html

[6] TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Cơ sở lý luận và thực tiễn cho xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam, Tài liệu tuyển chọn hội thảo khoa học, ngày 16-17/7/2019.

[7] Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương: Báo cáo Sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

[8] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Dự kiến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và cập nhật thêm từ các nguồn khác.

[9] Thực hiện theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả: Ths. Nguyễn Văn Khiết