Kinh nghiệm về trả lương theo vị trí việc làm cho công chức của Thái Lan

zrP-8lJjDEe1vQz-bangkok_Wat_Phra_Kaew__Yukle_2-696×464
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt ra yêu cầu “Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành”. Với mong muốn giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về trả lương, xếp lương đối với khu vực công, bài viết phân tích, đánh giá khái quát về hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm cho công chức của Thái Lan.

Hệ thống vị trí việc làm của Thái Lan

Các vị trí việc làm của Thái Lan có thể được phân thành ba nhóm, bao gồm: vị trí chung, vị trí chuyên môn nghiệp vụ và vị trí quản lý. Theo cách phân loại này, bảng lương (cấu trúc) một bậc được áp dụng cho tất cả các chuỗi/dòng công việc (gồm 465 chuỗi). Tăng lương cho viên chức có thể thông qua việc thăng chức, đánh giá hiệu quả công việc, hoặc chính bảng lương chuyển đổi. Mỗi bậc lương thể hiện mức tăng khoảng 4%(1).

Theo quy định tại mục 45 Luật Công vụ Thái Lan năm 2008, các vị trí việc làm được phân thành 04 nhóm để phản ánh quy mô của công việc, hiệu suất và năng lực. Văn phòng Ủy ban Công vụ Thái Lan (OCSC) thực hiện việc phân công công việc theo nhiều nhóm nghề nghiệp khác nhau, từ nhóm nghề nghiệp lại phân thành các chuỗi/dòng công việc, trong các chuỗi công việc sẽ có các nhóm vị trí, trong các nhóm vị trí sẽ có các vị trí tương ứng với từng cấp độ. 

 Có 08 nhóm nghề nghiệp được phân loại, bao gồm: Nhóm nghề 1: quản trị, hành chính, quản lý, thống kê, pháp chế, ngoại giao; Nhóm nghề 2: tài chính, kinh tế, thương mại và công nghiệp; Nhóm nghề 3: về giao tiếp, giao thông vận tải và thông tin liên lạc; Nhóm nghề 4: về nông nghiệp; Nhóm nghề 5: khoa học; Nhóm nghề số 6: y dược, điều dưỡng, y tế công cộng; Nhóm nghề 7: kỹ sư, kiến trúc và kỹ thuật viên; Nhóm nghề 8: giáo dục, nghệ thuật, phát triển xã hội và cộng đồng.

Chuỗi/dòng công việc: theo nền tảng phân loại vị trí mới, số lượng chuỗi công việc được cắt giảm khoảng một nửa (từ 465 chuỗi/dòng công việc xuống còn 245 chuỗi/dòng công việc(2)). Các chuỗi công việc được đánh số từ 1 đến 245. 

Có 04 nhóm vị trí được quy định tại Luật Công vụ Thái Lan năm 2008, bao gồm: 1) Các vị trí lãnh đạo, điều hành, cụ thể là thủ trưởng các cơ quan cấp bộ, ban, ngành và các chức vụ khác. Nhóm điều hành được chia thành vị trí sơ cấp (S1) và vị trí cao cấp (S2). Nhóm này nằm trong 4 chuỗi công việc đầu tiên, mỗi chuỗi có 1-2 vị trí tương ứng với cấp độ S1 và S2; 2) Các vị trí quản lý, cụ thể là người đứng đầu các cơ quan chính quyền cấp thấp hơn cấp bộ, ban, ngành và các vị trí khác. Nhóm này được chia thành vị trí sơ cấp (M1) và vị trí cao cấp (M2). Có 03 chuỗi công việc thuộc nhóm vị trí quản lý, mỗi chuỗi có từ 1-2 vị trí tương ứng với cấp độ M1 và M2; 3) Các vị trí chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể là các vị trí yêu cầu người có bằng cử nhân theo quy định của OCSC để thực hiện các nhiệm vụ trong các vị trí đó. Nhóm này được chia thành năm cấp độ, tương ứng với các vị trí từ K1 đến K5. Những vị trí có cấp độ K5 (cấp cố vấn) thường là luật sư, nhà phân tích chính sách, nhà phân tích tài chính, nhà khoa học… Có 149 chuỗi công việc thuộc nhóm chuyên môn nghiệp vụ, mỗi chuỗi có từ 3-5 vị trí tương ứng với cấp độ K1 đến K5; 4) Các vị trí tổng hợp: bao gồm các vị trí còn lại, không thuộc ba nhóm trên. Nhóm này được chia thành bốn cấp độ vị trí, tương ứng với các trình độ từ O1 đến O4, trong đó cấp độ O4 (kỹ năng đặc biệt/tay nghề cao) chỉ áp dụng đối với những công việc cần đến kỹ năng đặc biệt như các vị trí thuộc nhóm nghề nghệ thuật. Có 89 chuỗi công việc thuộc nhóm tổng hợp, mỗi chuỗi có từ 2 – 4 vị trí tương ứng với cấp độ O1 đến O4.

Để được tuyển dụng công chức, ngoài các bằng cấp chung, người ứng tuyển phải có các yêu cầu về trình độ cho vị trí đó theo yêu cầu của từng cấp độ, bao gồm: kiến thức, luật pháp và các quy định liên quan; các kỹ năng cần thiết (máy tính, thông thạo tiếng Anh, toán học, quản lý dữ liệu…); các năng lực đã được xác định(3). Tất cả những yêu cầu này đối với bốn nhóm vị trí việc làm gồm 245 chuỗi công việc/8 nhóm ngành nghề đều được mô tả rõ trên website của OCSC.

Trả lương theo vị trí việc làm tại Thái Lan

Lương của công chức Thái Lan được phân thành 04 loại, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, phúc lợi/đãi ngộ, thưởng, cụ thể như sau:

Lương cơ bản: là mức lương trả cho tất cả các công chức theo vị trí việc làm và cấp độ của vị trí việc làm.  

Hệ thống bảng lương của Thái Lan được cấu trúc tương ứng cho một nhóm vị trí việc làm, mỗi loại có mức lương tối thiểu, trung bình và tối đa cho từng cấp (trừ nhóm vị trí tổng hợp, bảng lương chỉ có mức tối đa và tối thiểu). Với bốn nhóm vị trí việc làm, Thái Lan có 04 bảng lương, mỗi bảng quy định mức cụ thể đối với từng cấp độ tương ứng của từng nhóm vị trí việc làm.

Bảng lương được quy định cụ thể trong các nghị định của Hoàng gia và được điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với điều kiện kinh tế và chi phí sinh hoạt của Thái Lan. Tỷ lệ tăng trung bình từ 5-10% mức lương hiện hành, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Điều 51 Luật Công vụ năm 2008 (quy định khi điều chỉnh mức lương không được vượt quá 10% mức hiện hành).

Thông thường, các công chức (ngoại trừ công chức nhóm điều hành và quản lý) khi bắt đầu công vụ sẽ từ cấp độ K1 – cấp độ thực hành (nhóm vị trí chuyên môn) và O1 – cấp độ thực hành (nhóm vị trí chung). Mức lương đầu vào của công chức được xác định theo trình độ học vấn, trình độ học vấn đầu vào cao thì mức lương đầu vào sẽ cao hơn nhưng vẫn bảo đảm trong khung tối thiểu – trung bình – tối đa của bảng lương và được quy định cụ thể trong các văn bản của OCSC.

Công chức có thể được tăng lương theo ba cách: 1) Khi có thay đổi trong bảng lương (điều chỉnh thang bảng lương); 2) Khi công chức được đề bạt lên cấp cao hơn; 3) Thông qua việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc được tiến hành hai lần một năm.

Phụ cấp: là các khoản được trả cho công chức theo tính chất công việc, vị trí, điều kiện làm việc hoặc các đặc điểm khác nhau. 

Phụ cấp vị trí: là khoản thù lao được thiết lập cho các quan chức Chính phủ được bổ nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ chính ở vị trí do OCSC quy định, chẳng hạn như các vị trí đòi hỏi chịu trách nhiệm, các vị trí đòi hỏi kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm cao. Có hai loại phụ cấp vị trí: 1) Phụ cấp quản lý cho những vị trí quản lý và các vị trí điều hành; 2) Phụ cấp chuyên môn (cho nhóm vị trí chuyên môn nghiệp vụ và tổng hợp). Phụ cấp chuyên môn không phải cấp độ vị trí nào cũng có, cụ thể: Nhóm vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chỉ áp dụng phụ cấp chuyên môn đối với các vị trí cấp độ từ K2 trở lên; Nhóm vị trí tổng hợp chỉ áp dụng phụ cấp chuyên môn đối với các vị trí cấp độ O4(4). 

Phụ cấp khác: là khoản thù lao được xác lập vì một lý do tương tự như phụ cấp vị trí. Mục tiêu để đảm bảo lương công chức đáp ứng được mức sống, giảm sự khác biệt giữa khu vực công và khu vực tư. Những công chức không được hưởng phụ cấp vị trí sẽ được nhận một khoản phụ cấp khác ngoài lương là 3.500 baht mỗi tháng(5).

Phụ cấp đối với các vị trí có hoàn cảnh đặc biệt (được xác lập do tính chất công việc): là phụ cấp trả cho những công chức có điều kiện làm việc khó khăn, vất vả, rủi ro, căng thẳng, áp lực hoặc đang làm việc với tình trạng nguy hiểm cho thân thể và tính mạng, có thể ảnh hưởng đến cơ thể có thể gây ra bệnh nghề nghiệp. Một số nghề nghiệp như: giáo viên, người làm việc trong các trại giáo dưỡng trẻ em, người làm việc trong ngành hàng không, người làm việc trong các trại giam… được hưởng mức phụ cấp/tháng từ 1.200 đến 15.000 bạt(6). 

Phụ cấp không được sử dụng để tính tiền thưởng, tiền lương hưu theo quy định của pháp luật về tiền thưởng và lương hưu.

Phúc lợi/quyền lợi đãi ngộ: là những khoản thù lao gián tiếp của Chính phủ cung cấp cho công chức nhằm mang lại sự ổn định trong cuộc sống; là công cụ nâng cao tinh thần và động viên các công chức làm việc hiệu quả, được chia thành lợi ích tiền tệ và phi tiền tệ. Các lợi ích tiền tệ chính là trợ cấp giáo dục (cho trẻ em), trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế, trợ cấp hưu trí và trợ cấp tuất, chi phí đi lại, thuê nhà, điện thoại… Các lợi ích phi tiền tệ bao gồm: các loại nghỉ có lương như nghỉ phép, nghỉ việc riêng, nghỉ ốm, nghỉ thai sản.v.v. 

Thưởng: là những khoản được trả cho công chức theo hình thức phần thưởng hàng năm của tổ chức. Do vậy, khoản thưởng này gắn với hiệu quả hoạt động của tổ chức và bản thân công chức. Hàng năm sẽ có sự đánh giá bởi Ủy ban Phát triển khu vực công Thái Lan (OPDC).

Đánh giá việc trả lương theo vị trí việc làm của Thái Lan

Thứ nhất, thể hiện sự công phu trong xác định và mô tả vị trí việc làm. 

Trong xác định vị trí việc làm, Thái Lan đặt các vị trí việc làm trong tổng thể một chuỗi các công việc/nghề nghiệp cùng tính chất, các vị trí việc làm khác nhau ở những cấp độ khác nhau. Mặt khác, OCSC soạn thảo nhiều văn bản quy định tiêu chuẩn đánh giá công việc để phân loại các cấp độ vị trí việc làm. Về cơ bản, các vị trí được xếp cùng cấp độ được xem xét trên bốn tiêu chuẩn: nhiệm vụ và trách nhiệm; độ khó khăn, phức tạp của công việc; giám sát; quyết định. Mỗi tiêu chuẩn lại có từng tiêu chí với từng mức điểm cụ thể(7).

Việc mô tả các vị trí việc làm trên cơ sở mô tả theo chuỗi/dòng công việc. OCSC lập danh sách 04 dòng công việc thuộc nhóm điều hành; 03 dòng công việc thuộc nhóm quản lý; 149 dòng công việc thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ và 89 dòng công việc thuộc nhóm tổng hợp. Với mỗi dòng công việc sẽ có bản mô tả chung bao gồm những nội dung như: đặc tính chung của chuỗi/dòng công việc đó; tên/cấp độ của các vị trí trong dòng công việc. Tương ứng với số lượng vị trí việc làm trong một chuỗi/dòng công việc sẽ có từng đó bản mô tả vị trí. Tất cả những nội dung này đều được đăng tải trên Website của OCSC. Trong bản mô tả vị trí việc làm sẽ có các nội dung như sau(8): tên/cấp độ vị trí việc làm, thuộc chuỗi/dòng công việc; nhiệm vụ chính của vị trí việc làm; vị trí việc làm này thường ở trong những lĩnh vực nào; các yêu cầu cụ thể cho vị trí việc làm (yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm…); kỹ năng, khả năng cho vị trí việc làm.

Thứ hai, thiết kế bảng lương cơ bản nhưng vẫn duy trì chính sách lương tối thiểu. 

Về lương cơ bản, Thái Lan thiết kế thành 04 bảng lương tương ứng trên cơ sở các nhóm và cấp độ vị trí việc làm. Các bảng lương đưa ra mức lương cơ bản bằng một số tiền cụ thể bảo đảm trả lương theo vị trí việc làm. Đồng thời, xây dựng quan hệ tiền lương từ thấp nhất – trung bình – cao nhất trong từng nhóm và cấp độ vị trí việc làm. Chính sách tiền lương tối thiểu nhằm tạo điều kiện và đảm bảo duy trì sinh hoạt cơ bản đối với người đi làm. Do vậy, tiền lương tối thiểu phải tương ứng chỉ số giá sinh hoạt từng thời kỳ và phải tính đến sự phù hợp với từng ngành, nghề cũng như đặc thù riêng của từng khu vực. Đồng thời, phải có sự so sánh với mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp. Ở Thái Lan đã thực hiện khá tốt chính sách này, thường xuyên thực hiện các cuộc điều tra để xác định chỉ số giá sinh hoạt, các đặc thù khu vực…, cũng như xác định mối tương quan mức lương giữa khu vực công với khu vực tư để điều chỉnh các mức tiền lương, phụ cấp… cho phù hợp.

Thứ ba, hướng dẫn chi tiết về việc trả lương và phụ cấp.

Đối với việc chi trả lương, OCSC đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như: quy tắc về tiền lương; văn bản xác định mức lương đầu vào theo các trình độ, bằng cấp được OCSC phê duyệt; văn bản điều chỉnh tiền lương theo các năm tài chính; văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện tăng lương; hướng dẫn về việc trả lương trong các trường hợp điều động, chuyển công tác; văn bản hướng dẫn đánh giá thực thi công vụ(9).

Đối với việc chi trả phụ cấp, OCSC ban hành các văn bản hướng dẫn như: danh sách phụ cấp cho công chức được đính kèm theo Luật Công vụ năm 2008; các bản quy tắc, điều kiện để thanh toán phụ cấp cho từng cấp độ vị trí cụ thể; các văn bản quy định về tiêu chí và thủ tục để lựa chọn người được trả phụ cấp cho các vị trí có lý do đặc biệt; các văn bản quy định về mức phụ cấp do hoàn cảnh đặc biệt(10)./.

———————————-

Ghi chú:

(1) Evan M. Berman (2011), Public Administration in Southeast Asia, the CRC Press

(2) https://www.ocsc.go.th/sites/default/files/attachment/page/web_classen52.pdf    

(3) Evan M. Berman (2011), Public Administration in Southeast Asia, the CRC Press

(4) http://www2.ocsc.go.th/sites/default/files/attachment/page/position_allowance.pdf

(5) https://www.ocsc.go.th/compensation/เงินประจำตำแหน่ง

(6) https://www.ocsc.go.th/compensation/

(7) https://www.ocsc.go.th/sites/default/files/attachment/circular/w9-2552_0.pdf.

(8) https://www.ocsc.go.th/job/standard-position.

(9) https://www.ocsc.go.th/circular?combine=%E0%B9%80%E0%B8%87%E0%B8%B4%E0%B8%99%E0%B9%80%E0%B8%94%E0%B8%B7%E0%B8%AD%E0%B8%99.

(10) https://www.ocsc.go.th/compensation/.

Nguồn tin: http: mard.gov.vn