MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp, công tác phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết của hội nghị là công việc đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và cán bộ làm công tác phổ biến, tuyên truyền là làm thế nào để có được kết quả, hiệu quả nhất, góp phần đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, bên cạnh đó góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về các vấn đề mà Nghị quyết đã đặt ra, như vấn đề về công tác quản lý đất đai, vần đề về công tác cán bộ, vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết cần có những phân tích, đánh giá, tổng hợp các yếu tố chính của công tác phổ biến, tuyên truyền như: đối tượng, nội dung, hình thức, chủ thể,… phổ biến, tuyên truyền. Mặt khác, phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ làm công tác phổ biến, tuyên truyền để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã diễn ra trong khoảng thời gian 06 ngày, từ ngày 04/5/2022-10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp, như: (1)Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. (2) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (3) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. (4) Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. (5) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (6) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác; Hội nghị đã quyết nghị các nội dung quan trọng, đó là: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 18, 19, 20, 21).

Bài viên xin được đề cập đến một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phố biến, tuyên truyền một số nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước[1]. Do đó, việc làm thế nào để đưa các nghị quyết này đến với từng tổ chức, cá nhân và người dân nắm được và thấm nhuần trong thực tiễn cuộc sống là công việc quan trọng đặt ra đối với cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng này.

Công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tổ chức thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả to lớn, như hệ thống tuyên giáo, dân vận các cấp, đặc biệt đã được thể chế hóa thành luật – Luật số 14/2012/QH13, ngày 20/6/2012 của Quốc Hội về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động đổi mới hình thức, phương pháp, lựa chọn nội dung pháp luật thiết thực, gắn với quyền và nghĩa vụ của người dân, phù hợp với điều kiện, đời sống xã hội vào từng thời điểm để tuyên truyền, phổ biến. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn; trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, có nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, lồng ghép giữa các cuộc hội nghị, giao ban, cuộc họp…để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến cho nhiều đối tượng. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần giúp nhân dân nắm bắt được chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện.

Để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, chúng ta phải triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đến người dân. Đế công tác phổ biến, tuyên truyền này đạt kết quả, hiệu quả cao thì cần quan tâm đến các nội dung sau đây:

Thứ nhất là về đối tượng phổ biến, truyên truyền: đối tượng phổ biến, tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả, hiệu quả của công tác này. Do đó chúng ta cần phải xác định rõ các đối tượng này khi xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền và cho mỗi cuộc cụ thể. Ngoài các đối tượng cần được phổ biến, tuyên truyền chung, chúng ta cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến các đối tượng đặc thù[2]. Để các đối tượng phổ biến, tuyên truyền nắm bắt được nội dung nghị quyết Trung ương 5 này, chúng ta cần phải quan tâm, phân tích các đặc điểm sau đây:

– Đặc điểm về mặt xã hội: như giai cấp, dân tộc, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, tuổi tác,…

– Đặc điểm về tư tưởng, tâm lý: quan điểm, chính kiến, động cơ, tâm trạng, trạng thái, thể chất, khuôn mẫu tư duy,…

– Nhu cầu, thị hiếu thông tin: thái độ với nguồn thông tin, nội dung thông tin, cách thỏa mãn thông tin

Thứ hai là về nội dung phổ biến, tuyên truyền: Hội nghị Trung ương 5 lần này có nhiều nội dung cần được phổ biến, tuyên truyền, trọng tâm là các Nghị quyết của hội nghị, như Nghị quyết số 18, số 19, số 20 và số 21. Tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thế để xác định các nội dung cần được phổ biến, tuyên truyền có hiệu quả. Các nội dung phổ biến, tuyên truyền cần được cung cấp, giải thích, chứng minh, phân tích đa chiều để đối tượng tuyền truyền hiểu được sâu sắc từ đó góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Trong quá trình phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết, tùy từng đối tượng cụ thể cũng cần phải phân tích thêm các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch đang không ngừng chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Cụ thể như đối với vấn đế đất đai: “lợi dụng những vi phạm, bất cập, hạn chế liên quan đến lĩnh vực đất đai để hạ bệ, bôi lem, vấy bẩn vai trò lãnh đạo của Đảng; đưa ra những quan điểm sai trái, hướng lái công tác lập pháp trong lĩnh vực đất đai. Các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội đã bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt được, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội. Đài RFA rêu rao thông tin: “sáu tổ chức xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phổ biến một kiến nghị có tên “Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai””, “việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”… Từ đây, họ đưa ra ý kiến rằng Việt Nam phải sửa đổi ngay Luật Đất đai và phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác”[3]. Bằng thế giới quan khoa học, phương pháp luận mác xít kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh – “người cày có ruộng,…” chúng ta khẳng định chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai là phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.

Thứ ba là về hình thức phổ biến, tuyên truyền: đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết hội nghị Trung ương 5. Theo Luật phố biến giáo dục pháp luật[4] có 08 hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc áp dụng, vận dụng các hình thức này vào từng điều kiện, hoàn cảnh và địa điểm cụ thể là yêu cầu đặt ra cho các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền đạt kết quả và hiệu quả cao, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đạt được thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đề ra.

Thứ tư là về chủ thể phổ biến, tuyên truyền: là nhân tố quan trọng quyết định đến thành công của công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết, do đó trong lập kế hoạch tuyền truyền cần được đặc biệt quan tâm. Theo quy định về báo cáo viên, tuyên truyền viên[5]thì họ là những đáp ứng đầy đủ và điều kiện, tiêu chuẩn cần và đủ. Bên cạnh đó họ cũng cần được quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên để không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Cụ thể đối với nội dụng Nghị quyết Trung ương 5 lần thứ XIII này, họ cần dưỡng bài bản, trang bị những thông tin, kiến thức sâu rộng liên quan đến các Nghị quyết của hội nghị để tạo cơ sở kiến thức, kỹ năng, niềm tin vững trắc khi đi phổ biến, tuyên truyền cho các đối tượng phổ biến, tuyên truyền. Trong quá trình thực hiện phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết, bằng kiến thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm người cán bộ tuyên truyền truyền tải các tinh thần, nội dung của Nghị quyết, giúp cho người được phổ biến, tuyên truyền nắm bắt được ngay các nội dung này và có thái độ, hành động tích cực triển khai, thực hiện các Nghị quyết trong thực tiễn cuộc sống. Như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”[6].

Đối với những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá hội nghị, như: những luận điệu sai trái về vấn đề quản lý đất đai; về vấn đề công tác cán bộ; về vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,… Thì cán bộ làm công tác phổ biến, tuyên truyền cần phải tỉnh táo nắm bắt thông tin, nắm chắc lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Lin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập, nghiên cứu bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Từ đó có những lý luận sắc bén để phổ biến, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu được và có những hành động cụ thể nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ngoài ra, còn rất nhiều các giải pháp, hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII mà mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân bằng thực tiễn triển khai, các kinh nghiệm được đúc rút và bằng tình cảm, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Công tác truyên truyền, phổ biến Nghị quyết sẽ được thực hiện thành công với những kết quả tươi đẹp, và từng nội dung của Nghị quyết sẽ được thầm nhuần và đi vào thực tiễn. Góp phần đưa đất nước ta sớm đạt được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra.

Công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục đượng Đảng và Nhà nước ta quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đi vào thực tiễn và thấm nhuần trong thực tiễn. Mặt khác làm tốt công tác này còn góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đề làm tốt công tác này, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và từng cán bộ phổ biến, tuyên truyền phải không ngừng: học tập, tu dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; vận dụng một cách linh hoạt các thành tựu khoa học, kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;… vào trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Từ đó lập kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác truyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta nói chung và Nghị quyết hội nghị lần thứ năm của Ban chấp Trung ương Đảng khóa XIII. Phải có kế hoạch chi tiết cho từng đối tượng phổ biến, tuyên truyền; xác định những nội dung truyên truyền; lựa chọn các hình thức tuyên truyền; và đặc biệt là chủ thể tuyên truyền để có được những cuộc phố biến, tuyên truyền đạt kết quả và hiệu quả cao. Góp phần đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, sớm đạt được những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2021), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội;

2. Phê phán các quan điểm sai trái xuyên tạc cuộc đấu tranh tránh suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng (2017), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội;

3. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB Chính Trị quốc gia Sự thật, Hà Nội;

4. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập số 1, 2;

5. Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW, số 20-NQ/TW, số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII;

6. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”

7. Luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật.


[1] Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”

[2] Luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

[3] Nguồn: https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-luan-dieu-sai-lech-chong-pha-hoi-nghi-trung-uong-5-i653793/

[4] Luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

[5] Luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

[6] Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”

Tác giải: GV, ThS. Lê Quang Tuân

Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT