Sự ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam

UOCE-Blogs-Posts-03

Giáo dục là sự nghiệp quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Chính vì vậy mà nghề dạy học và các thầy giáo, cô giáo được xã hội hết sức quan tâm, tôn vinh và coi trọng. Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2020), thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Với tinh thần đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự ra đời của ngày lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

Trên thế giới, ngay từ tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), FISE đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ với tên gọi “Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục” đã được thành lập.

Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam kết nạp vào tổ chức FISE.

Năm 1957, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo có 57 nước tham dự đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo.

Tại Việt Nam, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 lần đầu được tổ chức vào ngày 20/11/1958. Lễ kỷ niệm không chỉ được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời ở thời điểm đó) đến các vùng biên giới hải đảo.

Ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167/HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đó là Quyết định mang tính nhân văn sâu sắc và thực sự quan trọng thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân và được tổ chức kỷ niệm trọng thể ở khắp các địa phương trong cả nước, nhằm tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự học và ngành giáo dục nước nhà.

Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nghề thầy giáo được tôn vinh là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Từ ngàn xưa, vào dịp lễ tết hàng năm ông cha ta đã có câu: “Mồng một tết cha – Mồng hai tết mẹ – Mồng ba tết thầy”… Nghề thầy giáo đã rất được trọng vọng trong xã hội. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người cũng đã dạy chúng ta “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thực hiện lời dạy của Bác, giáo dục đã được Đảng ta coi là quốc sách hàng đầu và đội ngũ các thầy cô giáo – Nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà đã được xã hội ta hết sức quan tâm.

Related Blogs

Để lại bình luận