Tư duy ngược để truyền cảm hứng vào hợp tác xã

Nhằm giúp nông dân tự ý thức được lợi ích, vai trò của hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu giải pháp tư duy ngược để khơi gợi cho bà con.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội sáng 5/6. Ảnh: Bảo Thắng.

“Hồi đi vận động nông dân ở Đồng Tháp vào hợp tác xã, có lần tôi thử tư duy ngược cho bà con. Tôi bảo, vào hợp tác xã làm chi. Mình tự làm tự ăn có phải dễ hơn không. Vào hợp tác xã rồi, lại phải nghe theo quy định của giám đốc, từ đoàn thể”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ trong buổi đến thăm trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội sáng 5/6.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đa phần nông dân chưa nhận thức được vai trò của hợp tác xã. Thay vì cố thuyết phục bà con vào hợp tác xã, ông thấy được hai lợi ích của phương pháp tư duy ngược. Một, là nhận được sự đồng cảm của người nông dân. Hai, là để tự họ so sánh những thiệt, hơn khi thay đổi phương thức sản xuất, canh tác.

“Khi nghe tôi nói thế, bà con ngạc nhiên dữ lắm. Họ bảo, ông Bí thư này ngược đời, đi khuyên nông dân không vào hợp tác xã. Nhưng thực tế, đó chính là suy nghĩ của người dân. Muốn thuyết phục gì, mình cũng phải đứng trên lợi ích của người nông dân”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói tiếp.

Ngoài vấn đề tiềm thức, nông dân còn nhiều trăn trở khác khi gia nhập hợp tác xã. Một trong số đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là việc học. Bộ trưởng kể, ông từng đến nhiều địa phương, ở đó những nông dân vốn chân lấm tay bùn quanh năm, nay phải học nhiều môn trừu tượng như kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, xác suất thống kê… Đó là những môn khó, ngay cả với những sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi.

Để vượt qua những trở ngại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên cán bộ ngành nông nghiệp nói chung, và thầy cô giáo trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 nói riêng hãy “nói bằng cảm xúc” khi vận động nông dân vào hợp tác xã.

Ông bày tỏ: “Tôi tâm đắc với một điều, rằng chúng ta không thể dạy ai mà chỉ giúp họ phát hiện khả năng tiềm ẩn. Cái chúng ta học đã là của hôm qua. Phải làm sao luôn vận động, để kịp thích nghi với những cái mới”.

Ông Nguyễn Quốc Oánh, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1. Ảnh: Bảo Thắng.

Hợp tác xã là một trong những vấn đề được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chú trọng. Ông cho rằng, ngành nông nghiệp cần hướng tới lợi ích của hàng triệu hộ nông dân. Cách làm là tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và kinh doanh nông sản thông qua các hình thức liên kết và hợp tác, kết hợp đào tạo nông dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang “hỗ trợ kinh tế tập thể”, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp.

Là đơn vị của Bộ NN-PTNT, thường xuyên tiếp xúc với nông dân, các thầy, cô giáo trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 lần lượt được Bộ trưởng Lê Minh Hoan “ra đề” về hợp tác xã.

Ông Nguyễn Quốc Oánh, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 cho biết, vào năm 2017, trường đã biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã trẻ. Những năm sau đó, trường liên tục biên soạn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Cô Nguyễn Thị Giang, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, cho biết, trong quá trình thực tế giảng dạy, những giám đốc hợp tác xã hiện nay chủ yếu là người cao tuổi. Một số trong đó vẫn quen với tư duy làm việc kiểu hợp tác xã cũ theo kiểu bao cấp, thay vì cung ứng tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.

“Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có một yêu cầu là hình thức sản xuất phải trong hợp tác xã. Do đó, một số hợp tác xã tồn tại theo kiểu hình thức”, cô Giang bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Giang, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1. Ảnh: Bảo Thắng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Giảng viên Khoa Tài chính kế toán chia sẻ, nhiều kế toán trong hợp tác xã gặp khó khi lập báo cáo, đọc phân tích báo cáo tài chính. Một số nơi phải thuê kế toán, nên vướng nhiều rào cản trong việc huy động vốn, hay chứng minh năng lực tài chính.

Một vấn đề nữa, theo cô Hà, là chế tài liên kết giữa hợp tác xã và thành viên hiện nay chưa chặt. Các thành viên trong hợp tác xã giao thương chủ yếu bằng thỏa thuận miệng, thay vì hợp đồng thương mại. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nông sản có nhiều giá tại một địa phương.

Nguồn tin: http://nongthonmoinghean.vn/; Tác giả: Bảo Thắng

Để lại bình luận